Công nghệ: Liên Âu cần chiến lược riêng để tránh kẹt trong đối đầu Mỹ-Trung
07/10/2021 - Trọng Thành / RFI
« Khủng hoảng tầu ngầm », với việc Mỹ - Anh – Úc bất ngờ tuyên bố thành lập liên minh AUKUS chống Trung Quốc, là một cú sốc nặng nề đối với nước Pháp, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để Paris và các thành viên Liên Hiệp Châu Âu tái khởi động suy nghĩ về « sự tự trị về chiến lược » của liên minh 27 nước.
Tự trị về chiến lược, hay có các chính sách độc lập về quốc phòng, về công nghệ số… chung của khối là điều hoàn toàn không dễ dàng, bởi đa số các quốc gia thành viên Liên Âu không mấy mặn mà về điều này. Tuy nhiên, theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Thomas Gomart, Viện Pháp về Quan hệ Quốc tế (Ifri), nếu không chủ động hướng tới điều này, Liên Âu sẽ trở thành một địa bàn tranh chấp trong cuộc đối đầu Mỹ -Trung gia tăng hiện nay (*).
***
Cú sốc và cảm giác bị hạ nhục trên cả nước sau vụ « tầu ngầm Úc » phải chăng không là một dịp để ý thức được rằng Pháp là một « nước nhỏ », hay khá hơn chỉ là một « cường quốc tầm trung » ?
Tôi hoàn toàn không nghĩ Pháp là một nước nhỏ. Sau Brexit, Pháp vẫn là một trong các thành viên hiếm hoi của Liên Hiệp Châu Âu có thể có một tầm nhìn toàn cầu. Đúng là Paris vừa phải chịu một thất bại về ngoại giao và công nghiệp, nhưng than thở cũng chẳng giúp gì. Về mặt ngoại giao, nỗi giận là một vị quân sư tồi. Giờ đây, chúng ta cần phải dự kiến trước được các hệ quả chiến lược của liên minh AUKUS (mà sự ra đời của liên minh này) phản ánh sự căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các nước châu Âu cần sẵn sàng cho sự căng thẳng leo thang này, bởi bất luận thế nào họ cũng sẽ bị cuốn vào đó bằng cách này, hay cách khác.
Có một điều nghịch lý là, thất bại này (tức vụ « tầu ngầm Úc ») vừa làm yếu đi quan điểm của nước Pháp về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng cũng vừa xác nhận chính quan điểm này. Chiến lược của Pháp dựa trên một quan điểm về toàn thể khu vực, và một phương thức hành động thông qua ba đối tác chiến lược, được củng cố với các hợp đồng bán vũ khí. Ba đối tác đó là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Úc. Việc chính quyền Úc cắt đứt hợp đồng như vậy khiến toàn thể hệ thống bị suy yếu, cùng với tính mềm dẻo về chiến lược tại khu vực cũng bị suy giảm. Cùng lúc đó, các nước châu Âu, nhờ các nỗ lực của Pháp từ nhiều năm nay, cũng đã hiểu rằng có những cân bằng chiến lược « ở phía đông kênh đào Suez » trực tiếp liên quan đến bản thân mình. Trên thực tế, một quyết định được đưa ra ở khu vực này cũng tác động đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tác động dây chuyền đến an ninh của châu Âu.
Đối với Paris, ở đây có một vấn đề kép. Đó là độ vênh giữa tham vọng của một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, buộc phải tính đến các dòng lưu chuyển hàng hải trong hiện tại và tương lai, và các phương tiện quân sự tương ứng với tham vọng này. Cần phải hiểu rằng nước Pháp không thể lánh xa khỏi khu vực này, do sự hiện diện của người Pháp và các vùng lãnh thổ của nước Pháp, trừ phi Pháp chấp nhận từ bỏ chủ quyền.
Trong bối cảnh này, nước Pháp có thể chọn những giải pháp nào ?
Có hai khả năng. Khả năng thứ nhất nằm ở chỗ chủ động giảm tầm mức của các phạm vi hành động, làm sao cho kỳ vọng khớp với phương tiện, và chấp nhận rằng châu Âu và nước Pháp cần tập trung vào khu vực láng giềng trực tiếp mà thôi. Khả năng thứ hai là thừa nhận rằng lô-gíc tái vũ trang hiện nay đang diễn ra trên thế giới. Khủng hoảng này chính là một dấu hiệu mới để các nước châu Âu điều chỉnh lại các nỗ lực về quân sự, theo hướng gia tăng. Paris cần phải đi theo hướng này, với châu Âu hoặc không với châu Âu. Bất kể với giá nào…
Ông nói là « với hoặc không với châu Âu ». Ông có nghĩ rằng vụ thất bại tầu ngầm Úc đã làm thay đổi cục diện, xét từ góc nhìn này ? Ta có thể chờ đợi là có thêm các nước khác, ngoài Pháp, ủng hộ sáng kiến về sự « tự trị về chiến lược » của châu Âu ?
Ý tưởng tự trị chiến lược của châu Âu đã có một lịch sử lâu đời. Ý tưởng này không làm Hoa Kỳ hài lòng, khiến Đức khó xử, còn Anh quốc thì thờ ơ với chuyện này. Cần liên tục nhắc lại điều sau đây tại Paris : Đó là đại đa số các nước châu Âu sẵn sàng làm tất cả để duy trì được sự bảo trợ về an ninh của Mỹ trong khuôn khổ khối NATO. Sau vụ thất bại tầu ngầm Úc, các nước này hy vọng là các căng thẳng giữa Paris và Washington sẽ không đi quá xa. Cùng lúc đó, tôi thấy có sự lo ngại gia tăng ở một số nước châu Âu khi thấy Pháp bắt đầu mệt mỏi với các nỗ lực hướng đến sự « tự trị về chiến lược » của châu Âu.
An ninh châu Âu phụ thuộc vào quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Cần phải tìm ra cùng với Hoa Kỳ một « điểm cân bằng mới » – có ích cho toàn bộ Liên Âu, trong vấn đề này. Trên thực tế, khái niệm châu Âu như một thế lực lớn, xét về nền tảng là một ý tưởng của Pháp, không được mấy chia sẻ. Tin tưởng là Liên Hiệp Châu Âu có thể đóng vai trò của một trung tâm quyền lực, như Trung Quốc hay Hoa Kỳ là một ảo ảnh nguy hiểm. Liên Âu không phải là một tổ chức chính trị - quân sự, và không có ý định trở thành một sức mạnh như vậy. Liên Âu đã hình thành với việc gạt các vấn đề quân sự ra, với việc chính quyền các quốc gia thành viên chấp nhận chuyển giao một phần chủ quyền cho Liên Âu trong lĩnh vực kinh tế. Có một độ vênh thực sự với lập trường của Pháp. Mỗi khi nước Pháp đề xuất một bước tiến trong lĩnh vực quốc phòng châu Âu, thì Paris lại bị nghi ngờ là muốn thâu tóm quyền chỉ huy, sử dụng Liên Âu như một phương tiện để nhân lên sức mạnh riêng của nước Pháp. Đó không phải là điều mà các nước khác muốn…
Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Trên mặt trận công nghiệp, kinh tế, chúng ta thấy rõ có một sự ý thức về chuyện này, quyết tâm cùng nhau bảo vệ chủ quyền châu Âu…
Vấn đề mà chúng ta đang đối mặt hiện nay là, trong thế đối đầu hiện nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ngày càng xóa nhòa dần ranh giới giữa những thứ thuộc lĩnh vực dân sự và những thứ thuộc quân sự. Chúng ta quan sát thấy ở cả hai bên, có một sự trộn lẫn, một sự lồng ghép các phương tiện gọi là « dân – quân sự » (civilitaire). Nhờ ở các tổ hợp quân sự kỹ thuật số, hai siêu cường này đang có trong tay các « phương tiện đụng độ » (éléments de confrontation) mà Liên Âu không có khả năng huy động được những phương tiện tương đương….
Nhưng tất cả không phải là đã được an bài ! Chúng ta bắt buộc phải suy nghĩ về những lĩnh vực nhạy cảm mà người châu Âu cần phải tự kiểm soát. Ví dụ như với quyết tâm chung tiếp tục là một tác nhân trong lĩnh vực không gian, duy trì sự tự trị trong việc phương tiện đi lên không gian, trong lĩnh vực thiên văn học, trong các dịch vụ xuất phát từ các lĩnh vực này… Điều này hiện vẫn có thể. Nếu các lĩnh vực còn độc lập đó biến mất, mức độ phụ thuộc vào Mỹ sẽ gia tăng hơn nữa, và chắc chắn là trong tương lai Liên Âu sẽ còn phụ thuộc vào cả Trung Quốc. Các vấn đề liên quan đến dữ liệu tin học, an ninh mạng cũng là các lĩnh vực then chốt.
Về các dữ liệu cá nhân, sau vụ Snowden, Liên Âu đã có phản ứng về mặt chính trị và pháp lý với RGPD/GDPR, tức Quy định Chung về Bảo vệ Dữ liệu (**), nhưng hiện tại Liên Âu thiếu các nền tảng số (platform) sánh với Mỹ và Trung Quốc. Ngược lại, châu Âu có nhiều tác nhân hàng đầu trong lĩnh vực « dữ liệu công nghiệp », châu Âu cần phải gấp rút xác định các phương thức để bớt phụ thuộc trong các lĩnh vực như đường truyền, trung tâm dữ liệu hay đám mây điện toán.
Trong thế đối đầu giữa hai đại cường, phải chăng thách thức khí hậu mang lại cho châu Âu một cơ hội xây dựng một mô hình khác, xây dựng một trung tâm quyền lực thay thế, một « con đường thứ ba » ?
Nếu như Liên Âu nghĩ rằng tương lai chiến lược của khối chỉ thu gọn trong Green Deal (tức kế hoạch lớn của châu Âu chuyển sang nền kinh tế xanh), thì khối đang đi nhầm đường. Các tham vọng về khí hậu của chúng ta sẽ chỉ có một tầm mức giới hạn, theo ý tôi, nếu như Liên Âu không tăng cường « tầm vóc chiến lược ». Một lý do đơn giản là : Washington và Bắc Kinh để chính sách khí hậu của họ phụ thuộc vào thế đối kháng về chiến lược song phương Mỹ - Trung. Trong lúc Liên Âu suy luận về việc này bằng các quy định điều chỉnh, thì tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc là thông qua việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ và công nghiệp. Suy thoái của môi trường đi liền với sự phổ biến công nghệ. Ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, người ta cho rằng cái thứ hai sẽ là đáp án cho cái thứ nhất.
Cần hiểu đúng khái niệm « nền văn minh sinh thái » mà chính quyền Trung Quốc thúc đẩy. Chính quyền Trung Quốc nhìn thấy ở đây cơ hội để trở thành nền kinh tế số một thế giới phi các-bon, cùng lúc là cơ hội để kiểm soát hoàn toàn xã hội. Thành phố thông minh (« smart city ») theo kiểu Trung Quốc, cùng lúc là công cụ hợp lý hóa « các dòng chảy » (thông tin, năng lượng…), đồng thời là phương thức kiểm soát xã hội. Thông qua công nghệ mà hình thành điều mà Shoshana Zuboff (nhà xã hội học, kinh tế gia trường Harvard Business School) gọi là « chủ nghĩa tư bản kiểm soát ». Có những hình thức tương đồng giữa các « nền tảng số mang tính hệ thống » của Hoa Kỳ mà chúng ta biết và các nền tảng số mang tính hệ thống mà chính quyền Trung Quốc kiểm soát, để tạo ra và kiểm soát các dữ liệu.
Châu Âu có một thách thức cơ bản : Đó là làm thế nào xác định được chỗ đứng trước các tổ hợp quân sự kỹ thuật số của Trung Quốc và Hoa Kỳ ? Hiện tại, nếu như các nước châu Âu đã có được những « viên gạch nền về công nghệ », thì họ lại chưa có được sự gắn kết toàn thể, bởi sự thiếu vắng các tác nhân công nghiệp. Từ đó, dẫn đến một mối đe dọa kép với châu Âu. Đó là châu Âu đang tăng tốc trở thành một khu vực ngoại vi, cùng lúc đó khu vực này bị hai đại cường biến thành công cụ. Nhìn chung, Liên Âu có nguy cơ trở thành địa bàn cho cuộc đối đầu địa chiến lược Mỹ - Trung, như trường hợp của Đài Loan và Úc.
Ghi chú
(*) Ông Thomas Gomart trả lời tuần báo l’Express (đăng tải hôm 30/09/2021). Bài phỏng vấn mang tựa đề « Trong trường hợp căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, châu Âu có thể đứng ngoài ».
(**) Quy định Chung về Bảo vệ Dữ liệu (General Data Protection Regulation) được Nghị Viện Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu ban hành năm 2016.
Thượng Viện Pháp: Chống Trung Quốc thao túng đại học phải là "ưu tiên chính trị"
07/10/2021 - Thụy My / RFI
Các trường đại học Pháp là nạn nhân của mưu toan lũng đoạn ngày càng hung hăng thậm chí « thô bạo », chủ yếu từ Trung Quốc. Một báo cáo của Thượng Viện Pháp công bố hôm 06/10/2021 cảnh báo như trên, đồng thời cho biết Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước vùng Vịnh cũng có những ý đồ tương tự.
Theo báo cáo, Bắc Kinh ngày càng tiến hành « chiến lược thao túng toàn cầu có hệ thống ». Các nhà nghiên cứu Pháp phải chịu áp lực và phải tự kiểm duyệt, các viện nghiên cứu lệ thuộc vào tài chính của Trung Quốc, gây nguy hiểm cho tính độc lập của họ. Báo cáo viên, thượng nghị sĩ André Gattolin kêu gọi lập ra một quy tắc ứng xử và tăng tính minh bạch, « chấm dứt sự ngây thơ ».
Văn bản 240 trang nêu ra sự « thô bạo hóa» quan hệ quốc tế, các « mưu toan lũng đoạn không còn giới hạn ở tình báo kinh tế mà trải rộng sang lĩnh vực các quyền tự do trong giáo dục đại học và hội nhập khoa học ». Không chỉ gây ảnh hưởng về văn hóa như ngôn ngữ, văn minh, người Trung Quốc còn làm áp lực đối với những phát biểu, ngăn trở mở hội thảo về tình hình người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, về Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Kông.
Các Viện Khổng Tử hiện diện tại nhiều nơi trên thế giới trở thành công cụ tuyên truyền, đe dọa tự do đại học và các đối tác, thậm chí chứa chấp gián điệp. Báo cáo nêu ra tình thế lưỡng nan của các trường đại học, vốn cởi mở về tri thức, nhưng nay phải thường xuyên cảnh giác, nhất là đối với những du học sinh.
Một phương diện khác là việc tiếp cận thông tin, dữ liệu nghiên cứu, đôi khi trong những lãnh vực có thể dùng cho mục đích quân sự hay chiến lược. Bắc Kinh không từ một phương tiện nào : tài trợ cho các phòng thí nghiệm hay đối tác, tuyển mộ nhân sự với lời hứa trả lương thật cao tại Trung Quốc, kể cả làm áp lực.
Thượng nghị sĩ André Gattolin nêu ra trường hợp đại sứ Trung Quốc lăng mạ và cấm nhập cảnh một nhà nghiên cứu Pháp, ông nói, khi là nhà Trung Quốc học mà không được cấp visa thì đành phải đổi nghề. Ông đòi hỏi phải kiểm soát thường xuyên, không chờ đợi đến lúc cùng chung cảnh ngộ với Úc hoặc Anh.
Các tác giả bản báo cáo khuyến nghị phải coi chủ đề nước ngoài can thiệp vào đại học là ưu tiên chính trị, và tỏ ý tiếc rằng các « tập đoàn tin giả » của Nga hoặc những vụ tấn công tin học từ Nga, Trung Quốc hiện nay vẫn được coi như chuyện bình thường.
Trung Quốc leo thang hăm dọa, trắc nghiệm sức bền của người dân Đài Loan
07/10/2021 - Minh Anh / RFI
Gần 150 chiến đấu cơ, trong đó có một chiếc oanh tạc cơ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc trong vòng bốn ngày liên tiếp từ ngày 01-04/10/2021, đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Một hành động hăm dọa hay tín hiệu khởi đầu một cuộc xâm chiếm đảo ?
Chưa có lúc nào tình hình ở eo biển Đài Loan lại đen tối như lúc này. Tổng thống Thái Anh Văn trong một diễn đàn đăng trên tờ Foreign Affairs cảnh báo : Nếu hòn đảo rơi vào tay Trung Quốc, điều đó sẽ mang lại hậu quả « thảm khốc » cho châu Á.
Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chinh (Chiu Kuo-cheng) ngày 06/10/2021 cũng phải lên tiếng báo động căng thẳng hai bờ eo biển ở mức chưa từng có từ hơn 40 năm nay, và Bắc Kinh có đủ phương tiện để xâm chiếm « toàn bộ » hòn đảo vào năm 2025.
Bắc Kinh muốn gì khi đột ngột leo thang căng thẳng quân sự ? Liệu chiến tranh Trung – Đài có xảy ra hay không ? Đài Loan phải làm gì trong bối cảnh hiện nay ? Và đâu là những nguồn hậu thuẫn cho Đài Bắc ?
Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu về Đông Á, Antoine Bondaz, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, cho rằng Trung Quốc có nhiều khả năng tiến hành cuộc chiến tiêu hao, trắc nghiệm hệ thống phòng thủ, sức bền của người dân Đài Loan và phản ứng của cộng đồng quốc tế nhất là từ Mỹ cùng các đồng minh.
**********
RFI Tiếng Việt : Trong bốn ngày liên tiếp, Trung Quốc điều gần 150 chiến đấu cơ đi vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Làm thế nào giải thích một con số kỷ lục như vậy ? Tại sao Trung Quốc lại có chiến dịch quân sự đó vào thời điểm này ?
Antoine Bondaz : Những gì diễn ra với Đài Loan những ngày vừa qua là chưa từng có. Chưa bao giờ Trung Quốc điều ngần ấy chiến đấu cơ trong một quãng thời gian ngắn ngủi như vậy : Gần 150 máy bay quân sự chỉ trong vòng 4 ngày. Nếu so với tháng 7 và 8, có chưa tới 30 chiến đấu cơ mỗi tháng. Riêng ngày 04/10 là có đến 56 máy bay chỉ trong vòng một ngày, còn nhiều hơn cả so với phần lớn thời gian là trong một tháng.
Thời điểm được chọn khá quan trọng. Tôi nghĩ là có nhiều sự kiện để giải thích. Thứ nhất, đó là ngày Quốc Khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mồng 01 tháng Mười. Một hình thức nào đó, Trung Quốc muốn biểu dương sức mạnh tinh thần dân tộc. Tổng biên tập tờ Global Times, cách nay vài hôm tuyên bố : "Cuộc diễu binh năm nay đã được dời sang eo biển Đài Loan". Đây còn là một thông điệp gởi đến cho toàn thể người dân Trung Quốc.
Một sự kiện quan trọng khác chính là cuộc tập trận chung ngoài khơi Okinawa giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Anh Quốc, Canada, và Hà Lan. Cuộc tập trận quy tụ hai chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ, một tầu sân bay Anh, một tầu sân bay trực thăng Nhật Bản. Như vậy, đây cũng là một cuộc biểu dương lực lượng của Mỹ nhưng là ở phía bên kia chuỗi đảo Okinawa.
Có thể nói, đây là hai sự kiện quan trọng giải thích vì sao có những hành động phô trương sức mạnh dữ dội như vậy vào đầu tháng 10 này.
Nhưng ngày 10/10 sắp tới đây cũng là một ngày quan trọng đối với Đài Loan. Phải chăng đó cũng là lý do để giải thích cho hành động hung hăng này của Trung Quốc ?
Antoine Bondaz : Đúng vậy, ngày 10/10 tới đây là ngày lễ lớn của Trung Hoa Dân Quốc, đó là ngày quốc khánh của Đài Loan. Người ta có thể đoán là "sẽ có một cuộc biểu dương sức mạnh mới từ Trung Quốc". Hôm nay, còn có 1-2 chiếc máy bay quân sự Trung Quốc đi vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, chúng ta có thể nghĩ là từ đây đến Chủ Nhật sẽ có nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, phía Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn, cơ hội để thực hiện các chiến dịch này cũng đang khép lại do điều kiện thời tiết, như vậy số chiến đấu cơ trung bình được điều đến trong mùa đông sẽ ít hơn vào mùa hè.
Chỉ có điều, Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng hơn kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền từ năm 2012 ?
Antoine Bondaz : Chúng ta nhận thấy có một sự gia tăng áp lực từ Trung Quốc, bất kể là quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với đảo Đài Loan, nhất là kể từ năm 2016 khi bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến đắc cử tổng thống. Chúng ta thấy rõ trên bình diện ngoại giao, Trung Quốc có một chính sách ngoại giao hung hăng, tìm cách cô lập Đài Loan trên trường quốc tế như ngăn cản Đài Bắc tham dự với tư cách là quan sát viên thuộc Tổ chức Y Tế thế giới hay như là thành viên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Trung Quốc còn tìm cách ép buộc nhiều nước cắt đứt bang giao với Đài Loan như Panama, đảo quốc Salomon ở Thái Bình Dương. Trung Quốc còn gây áp lực kinh tế với Đài Loan thông qua các biện pháp trừng phạt, hoặc một cách gián tiếp như hạn chế dòng du khách Trung Quốc, hay tăng mức áp thuế đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp của Đài Loan như trái cây. Cuối cùng là áp lực trên bình diện quân sự, một cách cụ thể là thông qua việc gia tăng các chiến dịch xâm nhập ADIZ của Đài Loan.
Thái độ hung hăng này của Bắc Kinh liệu có phải còn do gần đến thời hạn 2049, năm kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc. Đài Loan được cho là « mảnh ghép còn thiếu » trong « giấc mộng Trung Hoa » của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ?
Antoine Bondaz : Thật vậy, từ năm 1949, năm thành lập nước, Trung Quốc không ngừng tìm cách hợp nhất Đài Loan với Hoa lục. Hòn đảo tự trị này là một vùng lãnh thổ còn lại mà Trung Quốc cho tới giờ vẫn chưa kiểm soát được. Do vậy, thời điểm 2049 đương nhiên vẫn là mục tiêu xa xôi cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Dù vậy, ông Tập Cận Bình nhiều lần nhắc đến và luôn cho rằng từ đây cho đến một thế hệ nữa, cần phải có một giải pháp cho vấn đề Đài Loan, nghĩa là sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực hay không vào lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hơn nữa, người ta nhận thấy có một sự thay đổi về chiến lược từ phía Trung Quốc. Họ cho rằng Đài Loan đang tìm cách thay đổi nguyên trạng, bởi vì tổng thống Thái Anh Văn không nhìn nhận đồng thuận 1992, một đồng thuận mà Bắc Kinh cho rằng phải chi phối mối quan hệ đôi bờ eo biển Đài Loan.
Trong tình cảnh Trung Quốc mỗi lúc một hung hăng, liệu chiến tranh Trung – Đài có sẽ nổ ra ?
Antoine Bondaz : Tôi nghĩ rằng rủi ro chiến tranh toàn diện giữa Đài Loan và Trung Quốc trong ngắn hạn vẫn rất hạn chế dù rằng Bắc Kinh không ngừng gia tăng khiêu khích, nhưng những hành động này vẫn rất được cân nhắc, có chừng mực bởi vì cho đến lúc này Trung Quốc vẫn chưa đi vào vùng không phận của Đài Loan mà chỉ ở ADIZ. Đó là vùng không gian do Đài Bắc đơn phương tuyên bố, đó không phải là một khoảng cách hợp pháp, theo pháp lý.
Phía Trung Quốc rõ ràng có ý muốn xem xét lại nguyên trạng và do vậy Trung Quốc luôn tìm cách khiêu khích gây ra sự cố như xâm nhập vào vùng không phận cách nay vài năm, cũng có thể có khả năng tiến hành một dạng bán phong tỏa một số đảo, cản trở các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Đài Loan như quần đảo Đông Sa ở Biển Đông.
Tóm lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục trắc nghiệm Đài Loan, trắc nghiệm khả năng phòng thủ, thử sức bền và lòng quyết tâm bảo vệ đảo của người dân Đài Loan, cũng như là thăm dò phản ứng của cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy là các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, hay Liên Hiệp Châu Âu có một vai trò quan trọng cần nắm giữ, nhất là về phía Liên Âu.
Vai trò này khá là quan trọng không phải để can thiệp trong trường hợp có xung đột vì châu Âu không có khả năng quân sự trong khu vực - nhưng cho phép dự báo một cuộc xung đột có thể xảy ra, do vậy Liên Hiệp Châu Âu cần phải nỗ lực nhiều hơn.
Trước những hành động mỗi lúc một hung hăng trong khu vực, và đà đi lên thành cường quốc của Bắc Kinh, người ta nhận thấy Tokyo giờ không còn ngần ngại công khai hậu thuẫn Đài Bắc. Vì sao Nhật Bản lại có sự thay đổi thái độ như vậy ? Liệu sự hậu thuẫn này có mang lại những rủi ro nào cho Nhật Bản hay không ?
Antoine Bondaz : Rõ ràng là ngày nay có nhiều nước bày tỏ trực tiếp mối quan ngại của họ và kêu gọi duy trì ổn định và hòa bình tại eo biển Đài Loan. Những cử chỉ này đúng là một « điều mới ».
Mới là vì nước Pháp đã ký vào thông cáo chung của G7 đề cập đến sự ổn định và hòa bình tại eo biển Đài Loan. Mới cũng vì Nhật Bản, theo cách công khai, đã ký vào thông cáo chung với Mỹ, bày tỏ sự gắn kết, kêu gọi một sự ổn định cho khu vực. Mới cũng là vì lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu trong dự thảo chiến lược hợp tác châu Á – Thái Bình Dương có đề cập một cách công khai đến sự ổn định của eo biển Đài Loan, và cũng là một trong số ưu tiên của Bruxelles.
Về điểm này, đúng là có những cử chỉ mới từ phía quốc tế đối với Đài Loan. Nhưng về phía Nhật Bản, tình hình phức tạp hơn. Nếu như chiến tranh xảy ra với Đài Loan, lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng trước tiên trên bình diện an ninh, binh sĩ Mỹ đóng tại Nhật Bản có thể sẽ được huy động. Vì lợi ích của mình, Nhật Bản ít nhiều gì phải hậu thuẫn trực tiếp Đài Loan.
Nếu như ngày mai Đài Loan bị quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc chiếm đóng, điều đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn thế cân bằng địa chính trị, và môi trường an ninh Nhật Bản. Do vậy, Tokyo chỉ được lợi khi nguyên trạng này được duy trì.
Trong hoàn cảnh này, Đài Bắc phải làm gì để đối phó với sức ép ngày càng lớn từ Bắc Kinh ?
Antoine Bondaz : Hiện tại, chiến lược của Đài Loan là vẫn giữ thái độ ôn hòa. Nghĩa là chúng ta sẽ không có một chính phủ, ví dụ như công khai đi Mỹ, đây vẫn là một chủ đề nhạy cảm, như đã từng làm cách nay 15 năm, khi ông Trần Thủy Biển còn cầm quyền. Chính phủ Dân Tiến hiện nay tìm cách giữ thế nguyên trạng. Trên thực tế Đài Loan là một Nhà Nước độc lập, xã hội Đài Loan là một xã hội dân chủ, đương nhiên, họ cũng mong muốn bảo vệ những lợi ích và các giá trị của mình.
Về phía Đài Loan, ngày nay họ có nhiều giải pháp. Điều trước tiên là phải tăng cường năng lực phòng thủ. Đài Loan hiện có chương trình tự phát triển tầu ngầm theo quy ước. Việc phối hợp và hợp tác với Hoa Kỳ như trong việc mua vũ khí và hệ thống phòng thủ vẫn được tiếp tục. Rồi Đài Loan cũng nỗ lực tiếp cận với phần còn lại của cộng đồng quốc tế, không phải để họ hậu thuẫn đảo trên bình diện chính trị hay quân sự, mà là để Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, hay Úc ý thức được rằng nếu ngày mai có một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan, chắc chắn là sẽ có nhiều vấn đề phải đối mặt.
Tuần này, Pháp gởi một phái đoàn nghị sĩ đến thăm Đài Loan. Trong hồ sơ này, Paris có thể làm được gì cho Đài Bắc ?
Antoine Bondaz : Quả thật, phạm vị hành động của Pháp rất hạn hẹp. Tình thế của Pháp hiện giờ không giống như đầu những năm 1990, vào thời đó, Paris có thể cung cấp cho Đài Loan các hệ thống phòng thủ, tầu tuần tra, chiến đấu cơ Mirage 2000… Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Pháp không có một « đòn bẫy » nào. Pháp vẫn có những lá chủ bài ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu, ở Hội Đồng Bảo An để có một tiếng nói, tiếng nói của Liên Hiệp Châu Âu, nghĩa là việc duy trì sự ổn định tại vùng eo biển Đài Loan này là cực kỳ quan trọng. Nếu ngày mai, Trung Quốc khơi ngòi cuộc chiến, sự việc sẽ có những tác động tiêu cực cho Liên Âu.
Tôi cho rằng nước Pháp nên tỏ ra có sự gắn kết trong những tuyên bố công khai. Chúng ta thấy rõ là những tháng gần đây, việc áp dụng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp đã được cập nhật vào tháng 7/2021. Chỉ có điều trong bản chiến lược này vấn đề an ninh được đề cập đến nhưng lại không có một tham chiếu nào nhắc đến tình hình eo biển Đài Loan.
Đây thật sự là một vấn đề về sự gắn kết, bởi vì nước Pháp chấp nhận nói đến vấn đề này trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, với nước Úc một cách công khai nhưng Paris lại không nói đề cập đến vấn đề này một cách đơn phương trong các tài liệu chính thức, do vậy ngày nay đặt ra các vấn đề.
RFI Tiếng Việt cảm ơn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược FRS.