Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 4/25/2011(UTC) Posts: 2,178 Location: Canada
Thanks: 37 times Was thanked: 122 time(s) in 57 post(s)
|
Tiếp theo, LK xin đăng lại một bài viết mới của Ông Hà Sĩ Phu .

Những câu đối năm Lợn
Hà Sĩ Phu
Theo cách tính thời gian Âm Lịch, 10 Thiên Can phối hợp với 12 Ðịa Chi tạo thành những chu kỳ 60 năm. Trong 12 Ðịa Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) thì mỗi năm được tượng trưng bằng một con vật, quen gọi là những Con Giáp.
LỢN (HEO) là con vật đứng cuối cùng trong mỗi chu kỳ, là một trong những con vật gần gũi nhất và cần thiết nhất cho đời sống con người, song lại bị con người “khinh” nhất. Bao nhiêu cái xấu xa dồn cả cho Lợn: ngu như lợn, ăn như lợn, ngủ như lợn, hùng hục như lợn. Phim tục tĩu nhất thì gọi là phim Con heo. Con heo nọc (heo đực chuyên phối giống), miền Bắc gọi là con lợn hạch, thì vác cái “của quý” to đùng, lặc lè đi khắp nẻo chợ cùng quê. Loài Heo vốn nổi tiếng về cái khoản Sex, thế mà muốn nuôi béo thì người ta lại đang tâm đem thiến, đem hoạn. Heo chẳng biết thế là “đau đớn”, nên chỉ eng éc mấy tiếng rồi lại vui vẻ hục vào chậu cám mà ăn! Thế mới biết kẻ phục vụ đắc lực nhất cho người ta có thể vẫn bị người ta khinh rẻ! Chẳng bì với con Hổ (năm Dần) chuyên đe dọa, chuyên làm hại con người mà con người lại phải kính trọng gọi là “Ông Ba mươi”!
Riêng về Câu đối, thì cái giống Lợn ăn no ngủ kỹ, cái nghề thịt lợn tay thớt tay dao và cái nghề hoạn lợn với lưỡi dao mỏng và cái thòng lọng, lại gợi cho tôi nhiều ý tứ hơn cả con Rồng, có lẽ vì Lợn ta tuy xoàng xĩnh thế nhưng nó thực hơn, nó “đời” hơn con Rồng.
Kể từ vài năm trước Ðổi mới đến nay, thấm thoắt đã 3 chu kỳ tôi làm Câu đối Tết về con Lợn, ứng với 3 bối cảnh xã hội khác nhau, xin được kể ra đây để bạn bè cùng nhau “thư giãn” vài phút trong những ngày nghỉ đón Tết cổ truyền.
Tết Quý Hợi 1983 (Năm CHÓ sang năm LỢN): (Về Chó, Rồi (Dồi), Giềng, Mẻ và Lợn, Mỡ, Dăm, Hành)
- CHÓ đói đã đi RỒI, sang gọi láng GIỀNG vui một MẺ!
- LỢN no đang béo MỠ, cũng như ai DĂM chữ học HÀNH! (*) (*) Theo cách phát âm của miền Bắc, không uốn lưỡi nên Rồi và Dồi phát âm giống nhau, Giăm và Dăm phát âm giống nhau.
Năm ẤT HỢI 1995 Câu đối dán Cửa hàng một ông “Trùm” thịt lợn:
- Tiền bạc nổi trên hai mặt thớt!
- Óc tim quyện dưới một dao bầu! (Khám lưỡi dao bầu của anh hàng thịt lợn ắt thấy tim và óc hòa quyện nhau rất nhuyễn). Câu đối bên quầy thịt lợn . Chợ Tết năm Lợn, có hai quầy thịt lợn, ở cạnh nhau. Hai chủ nhân, một anh một ả, đều là tay sừng sỏ. Gã đàn ông ngoại ngũ tuần, mày râu nhẵn nhụi, nhân lúc vắng khách mới đưa con mắt liếc ngang, chẳng ngờ được cặp giò của cô nàng gợi hứng, mới buông một vế đối rằng:
CHÂN GIÒ em vẫn NÂY NÂY, BA CHỈ XỎ TAI nhưng hết RUỘT!
Quả nhiên cô nàng đỏ mặt, phần vì chữ nghĩa hóc hiểm: CHÂN GIÒ, NÂY, BA CHỈ, SỎ, TAI, RUỘT... đều là những thứ nằm sờ sờ trên bàn thịt lợn; phần vì ngửi trong văn chương thấy có mùi “sex” và ngầm bảo ả rằng tuy có vàng xỏ trên tai, đô la trong túi, nhưng ả đã bán cái “ruột” để mua cái vỏ, nên ngoài vỏ thì cứ phây phây mà ruột bên trong thì rỗng tuếch rồi! Nhưng ả đâu phải tay vừa; sau phút choáng váng liền chỉ thẳng vào cái lưỡi dẻo quẹo của gã mà cười ngặt nghẽo:
ÐẦU LƯỠI bác như BẠC NHẠC, BỐN CHÂN BÌ MỠ chẳng còn TIM!
LƯỠI, BẠC NHẠC, CHÂN, BÌ, MỠ, TIM... cũng trong binh chủng thịt lợn; nhưng đối thế thì khác nào chửi vào mặt gã: thằng “bì mỡ” béo phị kia, cái lưỡi không xương của mi nói xuôi cũng được, nói ngược cũng hay, thèm rỏ dãi ra chứ tim óc nỗi gì mà lên mặt đạo đức?
Khổ cho gã là đã bị ả hạ xuống cấp “bốn chân”, lại đem cái “đầu lưỡi” vạn năng của gã để chọi với cặp “chân giò nây nây” của ả thì gã chỉ còn cách chui đầu xuống... lỗ nẻ mà chết! Nhưng nói vậy thôi, gã vẫn sống ngon lành! HSP-1995
Câu đối Tết con Lợn (Ðinh Hợi-2007) Câu 1: (Chó đi, Lợn đến)
* CHÓ gâu gâu, nghe pháo Dân chủ cúp đuôi,
“bấn xúc xích, chạy vung xích CHÓ”!
* HEO ủn ỉn, nhìn xấp Ðô la híp mắt,
“cuống cà kê, nói toạc móng HEO”! “bấn xúc xích” = thành ngữ chỉ sự nguy cấp “chạy vung xích chó” = thành ngữ chỉ sự hoảng loạn, tất tưởi “cuống cà kê” = thành ngữ chỉ sự luống cuống, vội quýnh lên. “nói toạc móng heo” = thành ngữ chỉ sự nói thẳng bật ra, không còn giữ gìn.
Câu 2:
* Ðêm ba mươi Ỷ tiếp HẢI NAM,
thân BÈO bọt còng lưng “Xia nỉ”!
* Sáng mồng một LANG ôm ÐẠI BẠCH,
câu CÁM ơn luôn miệng “Thanh kiu”!
- Ỷ, Lang = tên hai giống lợn nội. - Hải Nam = một giống lợn Trung quốc, Ðại bạch = một giống lợn Bắc Mỹ - Xia nỉ, thanh kiu = Cảm ơn (tiếng Tàu và tiếng Anh).
Câu 3: (Dán cổng một trại nuôi lợn):
Lũ Ỉn cứ an tâm, “Quốc khố” đã gom vài tấn CÁM!
Chú Trư càng phấn khởi, “Dân sinh” rộng mở một ao BÈO!
Hà Sĩ Phu
Mời đối (năm Ðinh Hợi 2007)
Câu 1: (Vịnh con lợn)
Ăn no, ngủ kỹ, đánh đĩ mười phương, bàn thờ tổ Heo nằm chễm chệ!
(Ngày giỗ lớn thường để nguyên cả con lợn luộc, bày trên một chiếc mâm đồng lớn, đặt lên bàn thờ tổ)
Câu 2:
Hoạn lợn thẳng tay, vào ngay Hoạn lộ! (Năm Lợn, tặng những chính khách có duyên với con lợn: vốn hành nghề Hoạn lợn mà sau thẳng tiến trên đường Hoạn lộ, làm đến chức quan đầu triều. Hoạn lộ là đường làm quan).
Câu 3:
Ỷ thế làm CÀN, thân BÈO bọt vẫn là ÐINH rỉ! (Chữ Ỷ và chữ Bèo gắn với loài Heo. Khi bộc lộ sự khinh bỉ, ta thường dùng một thành ngữ mới: Mày thì tao coi là cái đinh gì (hay cái đinh rỉ gì. Lưu ý năm nay là năm Ðinh Hợi).
Câu 4:
HEO chẳng may gặp gió HEO MAY, lăn cổ chết, Ỷ có thày LANG cũng chết!
|