Rank: Member
Groups: Registered
Joined: 8/28/2011(UTC) Posts: 1,316
Was thanked: 14 time(s) in 10 post(s)
|
* Trích Bán Nguyệt San KBC Hải Ngoại (số 13 - Ngày 15 tháng Tư , 2007}
THƯ TIỀN TUYẾN Nguyễn Văn Tân
HQ 2501, ngày … -4-1975
Em thương, Anh viết thư này cho em mà rất ít hy vọng em sẽ nhận được. Phương tiện liên lạc an toàn nhất từ đây đến nhà mình chỉ còn là những thương thuyền nhỏ. Anh sẽ nhờ ông chủ thuyền quen với chúng ta đem thư về cho em dù ông ấy nói chưa chắc đã trở về nhà, có thể ông ta sẽ quay thuyền ra biển và đi đến bất cứ nơi đâu trên hành tinh này không có chủ nghĩa cộng sản. Ông ghé tai nói nhỏ với anh: “Người ta đã ra đi hết rồi sao ông còn ở đây”. Anh nói: “Tôi không thể, tôi không thể…”. “Tại sao không thể…” Ông ta hỏi và anh trả lời: “ Tôi không biết. Tôi có cắt nghĩa ông cũng không tin. Thôi,…” Ông chủ thuyền hứa dù thế nào ông cũng gởi thư này đến em cho bằng được. Tại Tiền Doanh Yểm Trợ…, nơi em từng xuống thăm anh, đã có một buổi họp giữa anh và các sĩ quan trong đơn vị. Anh mở đầu một cách ngắn gọn: “Bây giờ không phải lúc dài dòng hay e dè. Tôi hỏi các anh: liệu chúng ta có ở lại với cộng sản được không”. Không đợi anh nói tiếp, Đại Uý Đ trả lời: “Thưa Chỉ Huy Trưởng, không được đâu!” Đ là dân Hà Tỉnh vượt biên vào nam khá trể, năm 1960. Anh ta có nhiều kinh nghiệm với những người cộng sản. Đ nhìn anh, hình như ngạc về câu hỏi của anh, hỏi như vậy cũng như hỏi “liệu chúng ta có nên đi ở tù khổ sai không, có nên chết không”. Anh cảm thấy hổ thẹn với Đ và nhìn lơ đi nơi khác. Rất may, ngay sau đó giang đoàn được điều động lên tỉnh lỵ…. Hôm đó là ngày 13 tháng 4 , đúng 5 ngày sau khi Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập. Giang đoàn vừa đến nơi, Đại Tá B, trung đoàn trưởng một trung đoàn bộ binh và cũng là người chỉ huy hành quân của anh theo hệ thống ngang, nói với anh qua máy truyền tin PRC 25: “ Hải Âu phải không? Gia đình anh thất nghiệp cho đến khi có lệnh. Cắm trại 100%. Đi đâu nhớ đem theo bồ câu. Phải cho nó thức 24/24.”. “Dạ, nghe rõ Mặt Trời 5/5!”. Anh trả lời Đại Tá B và cùng vài sĩ quan lên xe quan sát địa thế chung quanh, máy truyền tin PRC 25 trên xe mở 24/24 như lệnh của Đại Tá B. Phố xá rất ít người, mà mặt mày ai cũng không dấu được vẻ lo âu, khó tìm thấy một nụ cười dù chỉ là một cái mỉm trên khuôn mặt của họ. Hầu hết các cửa hàng đều đóng. Anh cố đưa mắt thử tìm mấy quán cóc bán sò huyết nướng trước đây nhưng không thấy đâu cả. Xe chạy ra phía tây thành phố, giáp vịnh Thái Lan. Bấy giờ vào khoảng 6 giờ chiều. Mặt trời đang xuống dần. Chắc em chưa có dịp nhìn mặt trời lặn trên biển đâu, em chỉ được nhìn mặt trời mọc trên biển. Mặt trời lặn trên biển đẹp lắm, có khi đẹp hơn mặt trời mọc trên biển. Nhìn nó mình cứ tưởng như trái đất vừa có thêm một mặt trăng nữa, to lớn, tròn vành vạnh và huyền ảo. Không có gió mạnh, nhưng biển vẫn có sóng. Đó là sóng ngầm. Hồi đi tàu anh sợ nhất sóng ngầm. Nó giống như lưng một con quái vật khổng lồ, từ từ nâng chiếc tàu lên tận mây xanh rồi từ từ đưa tàu xuống trần gian. Vậy là bao nhiêu mật xanh, mật vàng đều cho ra hết. Sáng hôm sau vẫn chưa có lệnh gì mới. Gần trưa có một chủ thuyền lạ đến tìm anh và trao cho anh một bức thư sau khi đã lấm lét nhìn quanh: “Của người cô nhờ tôi mang đến”. Anh ngạc nhiên định hỏi cô bây giờ ở đâu thì người ấy nói cần phải đi gấp và cáo từ. Bức thư chỉ vỏn vẹn mấy câu, hình như viết trong lúc vội vàng: Con, Cô được cấp giấy phép vào Sài Gòn buôn bán. Cậu con nói người ta không làm gì mình cả đâu. hãy tuyệt đối tin tưởng vào chánh sách. Nhưng cậu con bảo ra đi trước thì lợi cho con hơn. Cô ở lại Sài Gòn cho đến cuối tháng mới về. Cô nói ít con hiểu nhiều. Ông Trung Tá Hiền học tập nửa tháng sắp về. Ngày nào bà Hiền cũng tiếp tế đầy đủ, nào la bồ câu hầm, nào là thịt heo dầm nước mắm, nào là lặp xường, lại tiếp tế cả tiền tiêu vặt nữa . Bây giờ hết chiến tranh, ai cũng mừng, sướng hơn xưa nhiều lắm. Cô Tánh tình cô thật thà, lắm lúc ngây thơ, nghĩ gì nói đó. Cô luôn luôn xem anh như trẻ con, hay nói chuyện ăn uống với anh. Trong thư cô không nói rõ, nhưng anh biết ý cô. Cô muốn anh bỏ đơn vị về Đà Nẵng với cô trước. Còn cậu thì chắc em biết là anh ruột của mẹ. Trước đây ông làm báo Tiếng Dân với cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế rồi theo ông Kháng ra bắc. Nghe nói ông không hề vào đảng. Cả đại gia đình mình ai cũng tin tưởng ông, chỉ nghĩ về ông là một người kháng chiến chống Pháp, không ai nghĩ ông là người cộng sản, không ai nghĩ ông tuyên truyền lừa bịp. Ông nói “không hề gì” thì chắc chắn là không hề gì. Đối với anh, có hề gì hay không hề gì thì anh cũng không bao giờ bỏ anh em mà đi. Bao nhiêu anh em trong đơn vị từng sống chết có nhau, từng chia bùi xẻ ngọt cho nhau, gặp anh họ còn đứng nghiêm chào, còn nghe lệnh răm rắp, mặt mũi nào anh lại bỏ đi. Anh không phải là người anh hùng, như em đã biết, anh khó có thể trở thành anh hùng được, hay nói đúng hơn binh nghiệp không mấy thích hợp với anh; nhưng bây giờ anh bỏ đi cũng như người cha, người chồng, người anh trong gia đình gặp khi gia đình nghèo khổ tai biến lại bỏ ra đi. Một người có chút lương tâm và liêm sỉ không ai làm vậy. Vả lại, còn có em, anh bỏ em mà đi được sao. Ngày hôm sau giang đoàn anh được lệnh án ngữ tại một khúc sông hiểm yếu, cửa ngõ đi vào tỉnh lỵ. Những giang đĩnh có hoả lực mạnh nằm núp hai bên bờ sông, chĩa những khẩu trọng pháo về mục tiêu mà chắc chắn địch sẽ đi qua. Chung quanh giang đĩnh, trên bờ, có 1 đại đội tùng đĩnh nằm phục kích và bảo vệ . Đại Tá B là cấp chỉ huy chịu chơi và rất “lì đòn”. Thuộc cấp của ông rất nể ông về sự “lì đòn” này. Họ không bao giờ dám trái lệnh ông và họ cũng “lì đòn” theo ông. Nghe nói ông chẳng bao giờ khom người, ẩn mình tránh đạn, thế mà đạn lại chê ông. Lính trong trung đoàn đồn ông có bùa, nhưng thật ra ông vừa can đảm vừa tin vào số mạng. Ông từng nói với anh rằng người tới số thì dù có chui xuống hầm sâu đạn cũng chui theo. Hôm nay trong bộ bà ba, chẳng áo giáp, chẳng nón sắt, ông đứng trên chiếc giang đĩnh mà anh biệt phái cho ông, thong dong như người vô sự. Nhìn ông, anh chợt liên tưởng đến tướng Ba Cụt của Hoà Hảo, nghe nói cũng hay mặc bà ba như vậy khi đi hành quân. Hầu như Đại Tá B và anh không bao giờ phải dùng máy truyền tin khi có thể nhìn thấy nhau, mà chỉ ra dấu như hai người câm. Chẳng hạn như khi cần anh yểm trợ hoả lực thì ông làm như bóp cò rồi đưa mấy ngón tay lên trời chỉ …mục tiêu, thí dụ 2 ngón là mục tiêu 2 mà ông và anh đã đánh dấu trên bản đồ. Sáng hôm sau Đại Tá B cho gọi anh dậy thật sớm. Ông đứng trên bờ lấy tay chỉ về mục tiêu phục kích, nắm tay lại đưa lên đưa xuống rất nhanh rồi lấy ngón tay làm như đang bóp cò. Anh biết ông muốn nói địch sắp qua sông, sẵn sang tác xạ. Anh lấy ống nhòm quan sát suốt 2 tiếng đồng hồ mà chẳng thấy gì cả. Nhưng rồi lúc gần trưa một thuỷ thủ từ chiếc tiền phong đĩnh ủi bãi bên tả ngạn báo cáo với anh, giọng run run: “Tụi nó …đang vượt sông. Tụi nó . . .đang vượt sông. Nghe rõ trả lời” “5 trên 5. Chuẩn bị tác xạ”. Anh trả lời và lấy cái viễn vọng kính đưa lên mắt trái. Em còn nhớ cái viễn vọng kính mà anh cố vấn Mỹ Sinatra cho anh hồi anh còn Chu Lai không? Đó là loại ống nhòm của hải quân xưa , dài gần nửa thước và chỉ dòm được một mắt. Nó cổ lỗ sĩ như vậy nhưng rất tốt, nhìn được rất xa. Em biết không? Qua viễn vọng kính anh thấy các chiến binh cộng sản với quân phục và vũ khí giống như diễn binh, chỉ khác là đang lội bì bỏm dưới nước. Anh nhìn bọn họ rất rõ, thấy từng vết hằng trên áo quần, biết từng loại súng họ đang mang, thậm chí có thể phân biệt được ai già ai trẻ. Anh thấy có vài người còn có vẻ như đùa với nhau. Trong suốt đời quân ngũ, dù đã đụng độ với họ nhiều lần, nhưng chưa bao giờ anh thấy họ di chuyển một cách nghênh ngang và rõ ràng như vậy. Có lẽ họ tưởng tụi này đã tháo chạy hay chết hết rồi chăng? Anh đang ngỡ ngàng thì Đại Tá B đã leo lên tàu từ lúc nào. Ông nói như hét: “Bắn chứ còn chuẩn bị gì nữa” Anh ra lệnh cho viên hạ sĩ đang giữ khẩu MK 19: “Bắn!” Một tràng đạn xé không khí bay vèo đến mục tiêu. Các trọng pháo khác thi nhau nhả đạn. Không nhìn vào viễn vọng kính nhưng anh thấy từ phía xa từng xác người gục, từng chiếc nón cối văng xuống sông, từng xác người chìm trong sông. Anh nhắm mắt lại, không dám nhìn nữa. Anh nghe tiếng Đại Tá B văng vẳng bên tai, lẩn trong tiếng đạn nỗ và trong mùi thuốc súng: “Toa sao vậy?” “Không sao, đại tá! Tôi bị nhức đầu vì vết thương hôm trước” Anh nói và nghe tiếng ông như từ đâu xa lắc, vo vo như tiếng ong kêu: “Toa nghỉ đi. Phụ tá của toa đâu”. Anh nói không sao. Thú thật, anh đã đụng độ nhiều lần với địch, nhưng thường cả hai bên cùng bắn nhau hay bọn họ bắn trước, chứ chưa bao giờ anh cho bắn trực tiếp vào họ như thế này. Mình rất ít có dịp bắn họ trước, họ lẩn vào trong dân, biết đâu mà mò. Thường họ rình bắn mình trước. Đang ngồi trong quân xa, thậm chí ngồi trong xe đò, bỗng nhiên nghe một tiếng “đoành” từ đâu trong ruộng lúa và gục xuống. Em ạ, vẫn biết họ bắn mình như thế và mình cũng nên làm như thế, nhưng mà…ghê quá. Em thương, Dù sao mấy ngày sau nỗi ưu tư của anh cũng lắng dịu. Đại Tá B gọi anh qua máy PRC 25: “ Hải Âu, toa biết không? Hôm qua tụi mình đã cứu sống biết bao nhiêu anh em. Nhờ những phát đạn của toa mà bốn đơn vị của mình không bị tấn công thình lình”. Anh nói: “Nghe rõ Mặt Trời”. Ông nói: “Mình làm một vòng quanh tỉnh lỵ, xem tình hình ra sao.” Chưa tới 10 phút sau đã thấy ông tự lái xe đến, sau lưng có anh tài xế cầm khẩu M18 ngồi. Anh lên xe theo ông ra phố. Dân chúng nhớn nhác sợ sệt như đang chuẩn bị đối phó với một tai ương không thể nào tránh được sắp xảy ra: một cơn bão, một trận động đất, một bầy khủng long. . . . Về phía tây có một số người tụ tập hình như chuẩn bị lên thuyền. Ba người đi đến một cái quán cóc bỏ hoang ngồi nhìn ra biển. Hôm nay không có sóng, mặt biển phẳng lì như một chiếc gương vàng. Mặt trời đỏ rực đang chìm một nửa. Vô số những chấm li ti màu trắng ẩn hiện trên đường chân trời. Đại Tá B lấy ống nhòm đưa lên mắt. Ông buộc miệng kêu lên: “Hải âu. Đẹp thật”. Anh nói: “Mặt trời cũng đẹp. Mặt trời chiều trên biển đẹp hơn. Nó không rực rỡ như buổi sáng nhưng vẫn đẹp”. Thôi, anh xin tạm dừng viết vì thư cũng đã khá dài. Nếu anh biết được chắc chắn thư đến tay em, anh còn viết nhiều hơn nữa.
Anh thương của em,
Nguyễn Văn Tân
THƯ HẬU PHƯƠNG Nguyễn Thị A Tiên
Ngày …..tháng 5 năm 1975
Anh thương nhớ, Em đã nhận được thư anh. Sáng hôm nay em Hùng thức dậy ra mở cửa thì thấy một phong bì màu vàng lớn bên ngoài có bọc ny-lông nằm trong kẹt cửa. Ban đầu tưởng giấy tờ gì, sau mở ra thấy thư anh, nó reo lên: -Thư anh Tân. Cả nhà nhao lên, ai cũng đòi xem thư, chỉ có ba đưa mắt nhìn mọi người như ngầm bảo: “Biết nó bình an là được rồi. Thư riêng mà, đọc làm gì” Em đem thư lên sân thượng đọc một mình, đọc đi đọc lại đến thuộc lòng. Em không nói chắc anh cũng biết là em không thể nào cầm nỗi những giọt nước mắt, hết đợt này đến đợt khác tuông ra. Em không muốn khóc mà cổ họng cứ nấc lên. Viết đến đây em lại khóc. Em càng khóc nhiều hơn khi nghĩ rằng không biết viết thư xong thì gởi cho anh bằng cách nào đây. Thôi thì cứ viết. Biết đâu có phép lạ nào đó khiến anh nhận được. Điều mong mỏi nhất của em hôm nay là cầu xin Trời Phật phù hộ cho anh được bình an và chúng ta sum họp với nhau. Em có biết tin giang đoàn anh được điều động lên tỉnh lỵ. Em còn biết cả việc anh hành quân với Đại Tá B nữa. Anh biết tại sao không? Cô nói. Cô nói có cho người xuống liên lạc với anh. Chắc chắn là người mà anh nói trong thu. Em nói với cô nhờ hay thuê người đó hướng dẫn em xuống gặp anh, nhưng ba không cho. Ba nói trông anh ta không được đứng đắn. Em cười thầm vì thấy ba có vẻ lẩm cẩm, nhưng không dám cãi lời. Sau đó em nhất quyết xuống gặp anh mặc cho ba ngăn cản, ba nói chính anh cũng không muốn em đi tìm anh như vậy. Em nghĩ mọi sự sắp thay đổi hết rồi. Lời dặn dò của anh không còn thích hợp trong tình thế mới nữa. Cô đã về Đà Nẵng. Cô mua bột ngọt ra bắc bán. Ở ngoài bắc họ rất thích một ngọt mà họ gọi là mì chính. Họ nói mì chính bổ óc (?) và có thể dùng để trị vết thương (?). Trước khi cô về Đà Nẵng ba ngày, em xuống tìm anh thì mọi ngã đường đến đó đều bị phong toả hay tắt nghẽn. Em trở về nhà tấm tức khóc. Em nghĩ không phải lúc nào cũng nên nghe lời anh. Phải chi em không nghe lời anh mà cứ đi theo anh, sống chết có nhau. Ngay sau đó Hạ Sĩ Thiện và vài thuỷ thủ khác trong hậu cứ đến gặp em. Em ngạc nhiên hỏi: -Chưa đi sao? -Chúng tôi đợi Chỉ Huy Trưởng. Cả nhà khuyên họ nên tìm đường đi gấp hay tránh đâu đó. Họ lủi thủi rời khỏi nhà. Cho đến bây giờ em vẫn không hiểu họ đợi anh để làm gì, đợi cùng nhau trốn chạy, đợi cùng nhau đầu hàng hay đợi cùng nhau chống lại. Em chỉ biết một điều là cho đến phút cuối cùng họ vẫn đặt tin tưởng nơi anh. Sáng 30 tháng 4 nhà nào ở khu phố mình cũng đóng cửa, không ai dám ra ngoài. Cả gia đình đứng trong nhà lén nhìn ra, thấy có mấy người mang băng đỏ đi ngang qua, có người trông rất quen, có cả một ông cảnh sát quốc gia, bạn của ba nữa. Ba nói: -Việt Cộng cũng là mình, chớ có ai khác đâu. Sau này em được biết ông cảnh sát sợ quá nên phải đeo băng đỏ ngụy trang. Đến trưa một số nhà mở cửa. Có ba người thanh niên mang súng AK, trên đầu súng có cột một miếng vải đỏ, vào nhà mình; một người trắng trẻo giống như sinh viên, một người trông có vẻ nhà quê và một người rất quen mà sau khi nhìn kỹ em mới biết là anh Ba Nhỏ ở cùng xóm, làm nghề sửa xe gắn máy. Anh thanh niên trắng trẻo vui vẻ chào cả nhà, nói đủ chuyện về chính trị, nhất là chính sách 12 điểm của Mặt Trận Giải Phóng; nhưng hai anh kia thì chỉ ngồi im lặng, thỉnh thoảng họ thì thầm với nhau gì đó và liếc nhìn em. Một lát sau anh Ba Nhỏ hỏi em: -Thằng bồ chị đâu rồi? Em định im lặng nhưng rồi bực mình hỏi: -“Thằng bồ ” là thằng nào? Anh trông có vẻ nhà quê nói, giọng bắc: -Khỏi sợ, không ai bắt ép chị được nữa đâu. -Đã có chánh sách mà tôi sợ gì. -Không phải tôi nói vậy. Tôi nói trước đây bọn sĩ quan ỷ có quân hàm trên vai, hay bắt ép người ta làm vợ, bây giờ không phải sợ nữa. Em buồn cười đến nỗi phải lấy cớ đi pha nước uống để vào bên trong cười cho đã. Em hoảng hồn thấy thằng Hùng đang ngồi trong xó bếp, tay cầm con dao bầu, hằm hằm nhìn ra ngoài: -Mẹ tụi bây! Cho một quả CBU xuống đầu tụi bây, chết hết bây giờ! Sáng hôm sau em thức dậy thật sớm bỏ vài món cần thiết trong cái túi nhỏ rồi nói với ba mẹ là em đi tìm anh. Ba gật đầu. Mẹ đòi đi theo nhưng em không cho. Chiếc xe đò ọc ạch rời thành phố. Trên quốc lộ có nhiều người chết nằm ngay bên vệ đường. Có thể đây là những người vừa tự kết liễu cuộc đời mình để không lọt vào tay kẻ chiến thắng, hay cũng có thể là những kẻ chiến thắng đi lẻ tẻ bị thanh toán. Em thấy có một người rất trẻ, đội nón tai bèo, vai mang súng AK đang ngồi gục chết trước tay lái xe một xe jeep. Mấy người trên xe đò nói đó là du kích địa phương, thấy xe jeep bỏ bên vệ đường nên lái thử và bị tai nạn. Em nghĩ không phải vậy vì thấy xe không hư hỏng gì cả. Ai cũng chỉ đoán, chỉ nói như vậy rồi bỏ qua vì ai cũng đang lo lắng, quan tâm đến chuyện có liên quan đến mình nhiều hơn. Vào khoảng 5 giờ chiều xe cách trung tâm tỉnh lỵ chừng 3 cây số. Đến chỗ này tất cả phải xuống xe đi bộ vì cái cầu phía trước bị sập. Chỉ có một mình em vào tỉnh lỵ. Em đi qua vài trạm gác của bộ đội, nghe họ nói toàn giọng bắc. Có vài người tò mò nhìn em, có người mắt hau háu làm em sợ quá. Em thấy mình dại dột hấp tấp quá, tại sao không cho mẹ đi theo. Vào đến tỉnh lỵ em mới hết sợ, nhưng em băn khoăn không biết tìm anh ở đâu. Trước đây chỉ cần gặp hải quân hỏi giang đoàn anh, đôi khi hỏi tên anh, ai cũng biết. Bây giờ thì mù mịt. Em chợt nhớ chỉ có hai nơi là anh còn lưu dấu vết lại. Đó là sông và biển. Em vội leo lên một chiếc xe lôi và bảo chở đến bờ sông. -Bờ sông nào? Có nhiều bờ sông-Chú lái xe lôi nói. -Bờ sông nào cũng được. Em trả lời trước cặp mắt ngạc nhiên của chú lái xe lôi. Chú định nói gì đó, nhưng rồi ái ngại nhìn em, trong vẻ ái ngại có chút nghi ngờ. Em đưa cho chú 500 đồng, bảo cứ chở đến tất cả các bờ sông, rồi đi ra bờ biển. Chú trả lui tiền cho em: -Tôi chỉ sợ cô dại dột…Chở xong tôi lấy tiền cũng được. -Ồ, chú tưởng tôi ra sông trầm mình hả? Em im lặng một lát rồi nói: -…Cũng có thể nhưng …chưa đâu. -Thôi đừng…Hôm qua có mấy người như vậy. Mấy người …chế độ cũ. Đến bờ sông em thấy có nhiều chỗ cây cối bị cháy sém và gãy đổ. Không biết đây có phải là chỗ bị giang đĩnh bắn như anh nói trong thư không. Chú lái xe lôi chở em đi dọc theo bờ sông. Em giật mình thấy giữa sông có một chiếc tàu chìm, cái đầu nhô lên khỏi mặt nước, trên đầu có khẩu súng lớn chĩa lên trời. Em xuống xe hỏi chú lái xe lôi, hỏi mà tim cứ đập thình thịch: -Chắc có nhiều người chết. -Không có ai chết cả. Gặp lúc đang đánh nhau, ai cũng ở trên boang. -Ủa, ở trên boang sao không… -Khi tàu bị mìn, ở trên boang không nguy hiểm bằng ở bên trong tàu. -Sao chú rành vậy? -Trước đây tôi là hải quân mà. Mà cô đi tìm ai vậy? -…. -Hình như giang đoàn này không có ai chết. Có một chiếc thoát ra biển. -Nghe nói tàu sông không đi biển được. -Sóng êm có thể ra biển. Nhưng chiếc tàu thoát ra biển là loại vừa đi sông vừa đi biển. Giang đoàn này có một chiếc như vậy, gọi là LCM 8. Em nhớ có lần anh bỏ chiếc xe jeep lên một chiếc tàu há miệng loại nhỏ và chở đi đâu đó. Có lẽ đó là LCM 8. Em bảo chú lái xe lôi chở ra biển. -Bây giờ có ai ở biển đâu mà tìm. Nếu thoát ra biển thì họ đi mất tiêu rồi-Chú lái xe lôi nói. -Chú cứ chở tôi ra biển đi. Đến biển vào khoảng 6 giờ chiều. Trời lất phất mưa. Mặt trời đang chìm dần xuống chân trời. Em không có ống nhòm nhưng vẫn thấy vô số những con hải âu đang bay lượn, có lẽ chúng tiến vào bờ gần hơn. Những con hải âu thật là đẹp. Mặt trời chiều cũng thật là đẹp. Em đến ngồi trong một cái quán vắng bên đường. Quán chỉ còn trơ mấy chiếc ghế, mấy cái cột và một tấm ny-lông che rách nát. Không hiểu sao lúc đó em vẫn có cảm tưởng như anh đã từng ngồi ở đó. Em có đọc một truyện khoa học giả tưởng. Truyện kể một cặp tình nhân thường ra công viên ngồi tình tự. Người thanh niên vì sao đó chết em không nhớ. Cô gái nhớ người yêu, hằng ngày cứ đến công viên mà ngồi. Rồi có một tác động có liên quan đến không gian bốn chiều hay cái gì đó em quên mất, khiến tại nơi đó thời gian chạy ngược, làm không gian và cảnh vật quanh cô gái thay đổi. Kim đồng hồ trên tay cô xoay tít từ số lớn đến số nhỏ, lá bay từ dưới đất lên trên cành, những cây trụi lá của mùa đông từ từ có lá vàng của mùa thu. Người thanh niên bỗng hiện ra bên cạnh người tình. Em cứ ngồi như vậy mà ước gì thời gian chạy ngược để anh từ đâu đó trong không gian đến với em. Nhưng rồi em cảm thấy tuyệt vọng, buồn khổ quá. Em lại khóc. Gió biển thổi tan những hạt mưa đọng lại trên tóc em, trên người em, nhưng vẫn không thổi tan được những dòng nước mắt. Lúc đó em chỉ mong em biến thành đá như người vọng phu để không còn biết gì nữa. -Cô muốn về đâu để tôi chở về? Tiếng chú lái xe lôi đưa em về thực tại. Em bảo chú ấy đưa em ra bến xe trả tiền rồi bước lên xe đò. Cũng may, mấy ngày đó xe đò chạy suốt ngày suốt đêm vì nhu cầu di chuyển của dân chúng nên trong đêm đó em về đến nhà. Hai ngày sau em nhận được thư anh. Ước gì sáng mai em ra mở cửa lại nhận được thư anh. Ước gì sang mốt em ra mở cửa, thấy anh. Ước gì ngay bây giờ có tiếng gõ cửa và anh xuất hiện. Em nghĩ trên đời này không có hạnh phúc nào bằng.
Em thương của anh,
Nguyễn Thị A Tiên
|