Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 3/18/2011(UTC) Posts: 31,878
Thanks: 2503 times Was thanked: 5349 time(s) in 3595 post(s)
|
Toàn văn bài giảng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong đại lễ tôn vinh hiển thánh 117 chân phúc tử đạo Việt Nam
11/19/2017 5:04:14 PM
Toàn văn bài giảng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong đại lễ tôn vinh hiển thánh 117 chân phúcc tử đạo Việt Nam tại Rôma ngày 19-06-1988

Anh chị em thân mến,
1 – "Chúng tôi rao giảng Chúa Giêsu tử nạn Thập Giá" (1Cr 1, 23)
Mượn lời trên đây của Thánh Phaolô, Giáo Hội Rôma hôm nay gửi lời chào Giáo Hội Việt Nam, mặc dầu trùng dương xa cách, nhưng rất gần gũi trong tình thân ái của tôi. Đồng thời, tôi xin chào toàn thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng cả Giáo Hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc quý quốc được trăm phần an lành.
Mối thịnh tình ưu ái đầu tiên xin dành cho người anh em thân yêu Giám Mục Hà Nội, và cho tất cả Giám Mục trong giáo đoàn Việt Nam, mà giờ này tôi ao ước các ngài hiện diện nơi đây. Cùng với hàng Giáo Phẩm, tôi chào tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ, các thành phần giáo dân tham gia công cuộc truyền đạo, và trong toàn thể giáo dân Việt Nam: trong giờ phút này, tôi linh cảm mình hiệp thông với họ một cách sâu xa đặc biệt.
Tôi chào tất cả anh em Giám mục cũng như giáo dân của Tây Ban Nha, Pháp và Phi Luật Tân, những xứ sở mà trong ba thế kỷ đã góp phần vào việc truyền giáo tại Việt Nam. Tất cả tuôn về Rôma hôm nay để tưởng niệm những người anh em trước kia là Thừa Sai xuất xứ từ ba quốc gia này.
Một tư tưởng ưu ái xin gửi đến các linh mục Đaminh thuộc tỉnh dòng Đức Mẹ Mân Côi đã thánh lập từ bốn thế kỷ và Hội Thừa Sai Ba-Lê đã cống hiến một số đông đảo Giám Mục và Linh mục, mà hôm nay chúng ta sùng kính như những vị Tử Đạo vì rao giảng Lời Chúa.
2 – Một cách đặc biệt, tôi gửi lời chào tất cả anh chị em Việt Nam, hiện là giáo đoàn thế giới, hôm nay từ bốn phương trời: Mỹ Châu, Á Châu, Úc Châu và Âu Châu tuôn về địa điểm này. Tôi biết rằng anh em đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm nhu cầu - đứng chung quanh các vị Thánh - để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa, thương mến, hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm vóc ở xa. Hướng về quê hương này, anh chị em hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì giữa thời gian phiêu bạt, anh chị em cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và cùng chung sống niềm hy vọng.
Lên tiếng với anh em để hô vang Chúa Kitô tử nạn Thập Giá, tất cả chúng tôi hôm nay để lời cám ơn anh em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam anh em đã nêu cao, bất cứ các ngài là con dân Việt Nam hay là những vị Thừa Sai, xuất xứ từ những nước đã in sâu mầm mống Đức Tin Chúa Kitô.
Làm sao kể lại cho hết ? Tất cả là 117 vị Tử Đạo, trong số đó 8 vị Giám Mục, 50 Linh mục, 59 giáo dân, trong số đó một phụ nữ, Thánh Agnès Lê Thị Thành, mẹ sáu người con?
Truyền thống còn ghi nhớ lịch sử chết vì đạo của Giáo Hội Việt Nam rất bao quát, phức tạp ngay từ lúc ban đầu. Từ năm 1533, nghĩa từ lúc miền Đông Nam Á Châu vừa đựơc truyền đạo, Giáo Hội Việt Nam đã bị bách hại suốt ba thế kỷ bắt bớ của Giáo Hội Âu Châu thời xưa. Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc !
Để lấy một ví dụ : Trong các vị Tử Đạo hôm nay, đi tiền phong có Thánh Vinh Sơn Liêm, dòng Đaminh là người Việt tử đạo đầu tiên năm 1733. Rồi tới Linh mục Anrê Dũng Lạc, sinh trưởng trong một gia đình rất nghèo khó, bên lương từ nhỏ đã phải "bán" cho một thầy giảng dậy giáo lý, nhưng rồi Chúa cho tới chức Linh mục năm 1823, đựơc bổ nhiệm chánh xứ và đương nhiên trở thành nhà truyền giáo trong nhiều địa hạt. Nhiều lần đã bị lao tù, nhưng vẫn được giáo dân tốt lành đem tiền chuộc về, trong khi bản thân ngài mong chờ đựơc chết vì Chúa. "Những ngừời chết vì Đức Tin - ngài nói – thì lên Thiên Đàng thẳng rẵng; tại sao chúng ta cứ phải ẩn náu, phải tốn tiền đút lót cho quan quyền : thà để cho chúng tôi bị bắt và rồi tử đạo có phải hơn không ?". Thực ra, vẫn một ý chí hăng say và được ơn Chúa nâng đỡ, ngài đã anh dũng chịu trảm quyết tại Hà Nội ngày 21-12-1839.
3 – Trong bài Phúc Âm hôm nay nhắc lại những gì Chúa Kitô tiên đoán về sự kiện các Tông Đồ và những ai theo chân các Ngài sẽ bị bách hại : "Họ sẽ lôi chúng con ra tòa Công Nghị, sẽ đánh đập chúng con giữa hội đường, sẽ điệu chúng con trước vua chúa quan quyền vì danh Cha, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại" (Mt 10, 17-18). Chúa tiên báo một cách hết sức rõ rệt, không có úp mở. Chúa không đưa đẩy với những lời hứa hẹn xa gần, nhưng với thói quen nói thẳng lời chân lý toàn diện, Chúa chuẩn bị tâm hồn các ngài trước nguy cơ : "Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên tố cáo làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Cha, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng ai bền chí tới cùng sẽ được cứu độ." (Mt 10, 21-22)
4 – Tuy nhiên, Thầy Chí Thánh không bỏ rơi các Tông Đồ và các người tin theo các Tông Đồ trong những cơn bách hại : "Khi bị nộp vào tay họ, chúng con đừng lo phải nói thế nào, Vì thực ra không phải chúng con nói, nhưng là Thần Linh của Thân Phụ nói trong chúng con." (Mt 10, 19-20).
Thần Linh chinh là Thần Linh chân lý. Ngài sẽ là mãnh lực trong thân xác yếu hèn của con người. Nhờ Ngài là mãnh lực mà anh em mới có thể là chứng nhân. Phải, chính sự kiện anh em là chứng nhân cho Chúa Kitô tử nạn, sự kiện đó há chẳng phải là khôn ngoan, là mãnh lực vượt mức loài người đó ư ? Thánh Phaolô hồi xưa đã không nói: "Chính sự kiện Chúa Kitô tử nạn là một ô nhục cho người Do Thái, là một cử chỉ điên rồ" (1Cr 1, 23) đó ư ? Từ thời các Thánh Tông Đồ đã vẫn thế rồi, qua các thế hệ lịch sử vẫn tiếp tục như thế; cũng như qua mấy thế kỷ bách hại tại Việt Nam, sự kiện đó vẫn không thay đổi.
Phải, cần phải có mãnh lực, khôn ngoan từ Thiên Chúa mới có thể tuyên xưng mầu nhiệm tình yêu của Ngài, chính là tình yêu được diễn tả trong cuộc tử nạn trên Thập Giá để cứu chuộc trần gian: quả là mầu nhiệm bao la vượt hẳn sự suy luận loài người. "Là vì cái điên rồ nơi Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn cả sự khôn ngoan người đời, và yếu hèn nơi Thiên Chúa còn mạnh sức hơn cả sức lực phàm nhân" (1Cr 1, 25).
Chính vì thế mà Thánh Tông Đồ đã viết : "Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô tử nạn Thập Giá : Đức Kitô, trong mầu nhiệm Phục Sinh, đã chứng minh Ngài là mãnh lực của Thiên Chúa, là khôn ngoan của Thiên Chúa" (1Cr 1, 23-24).
5 – Trước mặt chúng ta hôm nay, các vị Tử Đạo Việt Nam giữ vai trò những người đi gặt lúa cho Chúa, như đã ghi trong Thánh Vịnh :
"Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt, Nhưng khi trở về, lòng thênh thang phấn khởi, Vì ôm nặng nhiều bông lúa." (Tv 125-126, 5-6)
Lời huyền diệu trên đây nói lên ý nghĩa cuộc chứng nhân lịch sử nơi các vị Tử Đạo trong Giáo Hội Việt Nam. Trong vũng nước mắt của họ đã gieo xuống hạt giống ân sủng, để rồi trở thánh vô số bông hoa ĐỨC TIN ; "Hạt giống gieo xuống mà không mục đi thì chỉ trơi trọi một mình, nhưng nếu mục đi sẽ sinh nhiều bông lúa." (Ga 12, 24)
Các vị Tử Đạo Việt Nam "gieo trong lệ sầu", có nghĩa là các ngài đã khởi sự giữa lớp người đồng hương và giữa nền văn hóa dân tộc một cuộc đối thoại sâu rộng và cởi mở, bằng cách nêu cao chân lý và tin vào Chúa là sự kiện phổ cập tất cả hoàn cầu. Đồng thời, các góp phần vào việc nhận định các giá trị và nghĩa vụ thích hợp với nền văn hóa tôn giáo trong thế giới Đông Phương. Trong cuốn giáo lý đầu tiên bằng tiếng Việt, các ngài đã tuyên xưng nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi một bản thể đã tạo dựng trời đất. Ra trước quan quyền tra khảo về ĐỨC TIN, các vị Tử Đạo đã quả quyết mình đựơc tự do tín ngưỡng, và đạo Chúa Trời là đạo duy nhất, nếu mình từ bỏ là bất tuân lệnh Thương Đế, tức là Thiên Chúa. Đồng thời, các ngài đã can đảm nói lên ý chí tôn trọng quyền bính trong nước, nhưng không vì thế mà làm điều gì bất chính. Các ngài đã dậy phải tôn kính Tổ Tiên theo truyền thống dân tộc, và dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh. Do đó, với sự dấn thân và hành động chứng nhân của các vị Tự Đạo, Giáo Hội Việt Nam hiên ngang nói lên sự quyết tâm và tha thiết của mình, không chối bỏ truyền thống văn hóa và các thể chế quốc gia, trái lại, Giáo Hội tuyên xưng và chứng minh rằng : nếu mình nhập cuộc trong truyền thống và văn hóa dân tộc là vì có góp phần vào việc xây dựng quốc gia một cách trung thực hơn.
Và rồi những cuộc đấu tranh, những căng thẳng chính trị hồi xưa, xen lộn vào trong những bang giao giữa giáo dân và nhà cầm quyền, những quan hệ lợi hại giữa các tôn giáo, những lý do kinh tế xã hội, sự kiện người ta không hiểu rằng: Tín ngưỡng bao hàm quan niệm siêu việt và phổ cập toàn thế giới là những yếu tố tạo nên trần gian như một nồi nung nấu, trong đó thanh lọc mọi khía cạnh, để chỉ nổi bật nét khiết bạch và sức dũng mạnh của tấm gương nhân chứng.
6 – Đoàn thể đông đảo các Tử Đạo, những gian lao đau khổ, những giọt nước mắt. . . tất cả đã tạo nên "mùa lúa vàng" của Thiên Chúa. Các ngài là những bậc Thầy, tôi xin mượn dịp hôm nay, để nêu lên trước toàn thể Giáo Hội sức linh hoạt và hình vóc hùng tráng của Giáo Hội Việt Nam: ý chí kiên cường, sự nhẫn nại và khả năng vượt mọi khó khăn để tuyên xưng Chúa Kitô. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả mọi ơn lành mà Thánh Linh của Ngài hiện đang thực hiện một cách dồi dào giữa chúng ta.
Một lần nữa, giữa giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng : máu các Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong ĐỨC TIN. Giữa anh em, Đức tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. ĐỨC TIN này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn còn là người tín hữu của Chúa Kitô. Ai là người tín hữu đều ý thức rằng: Lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con ngừơi tự do,, kiêng nể tha nhân, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa và tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (1Pr 2, 13-17). Do đó, công ích của quốc gia vẫn là điểm người công dân có đạo phải dấn thân, nhưng đồng thời phải đựơc tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với những với các vị Chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng: và như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân*.
7 – "Máu các Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu".
"Hạt giống các tín hữu" : Ngoài con số từng ngàn từng vạn giáo dân trong các thế kỷ trước đây đã đi theo con đường tử nạn của Chúa, ngày nay là tất cả những ai đang lao động trong khắc khoải, trong khó nghèo cực độ về thể chất, kinh tế, trong hy sinh liên tục, nhưng chỉ mang một hoài bão là có thể trung kiên trong vườn nho Thiên Chúa, xứng với danh hiệu những người quản lý trung thành trong nước Trời.
"Hạt giống các tín hữu" là tất cả những ai ngày nay vì chính nghĩa Thiên Chúa và sống giữa những người đồng hương đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cây Thập Giá của Chúa Kitô: Thánh Giá bài trừ sự nói dối, bài trừ tội ác, nhưng thúc đẩy con người biết thinh lặng, biết tha thứ, biết cầu xin cho nước Cha trị đến trong tâm linh nhân loại, và đặc biệt tại quê hương của họ là môi trường đời sống.
Công tác này: công tác liên tục diễn tiến trong nội tâm vừa gây go vừa trường kỳ vì luôn luôn bị hoàn cảnh đặc thù chế ngự, và âm mưu thử thách ĐỨC TIN, do đó, đòi hỏi rất nhiều nhẫn nại. Phải xác tín rằng: đêm tối rồi cũng qua đi và ánh bình minh đang ló rạng ngoài ngưỡng cửa.
8 – "Những linh hồn lành thánh . . .ở trong tay Thiên Chúa". (Kn 3, 1)
Chân lý trên đây đựơc đề cao trong sách Khôn ngoan càng là ánh sáng quảng diễn biến cố long trọng hôm nay. Phải, "linh hồn lành thánh ở trong tay Thiên Chúa, không hình khổ nào chạm tới được." Quả quyết như thế có vẻ là không chính xác với thực tế lịch sử : thực ra hình khổ đã va chạm thân xác các vị Tử Đạo, và va chạm ghê gớm. Tuy nhiên, tác giả Kinh Thánh tiếp tục quảng diễn tư tưởng :
"Một người điên dại cho rằng các ngài đã mệnh một và kết liễu cuộc đời bằng cái chết là một tai họa : Chết đi là một đổ vỡ, tuy nhiên, các ngài vẫn sống trong an bình. Trước mắt trần gian, các ngài đã bị đau khổ, nhưng niềm hy vọng nơi các ngài mang nặng mầm mống trường sinh." (Kn 3, 2-4)
Các Thánh Tử Đạo : Tử Đạo Việt Nam ! Các ngài là chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết. Chứng nhân là con người vẫn đựơc kêu gọi về hướng trường sinh. Thay vì hình khổ ngắn ngủi, anh em sẽ đựơc nhiều ơn vĩ đại, là vì Thiên Chúa đã luyện lọc anh em và thấy anh em xứng đáng, Ngài đã thử thách anh em như thử vàng trên lửa và đã chấp nhận anh em như của lễ toàn thiêu. Phải, của lễ toàn thiêu hợp với của lễ hy sinh trên Thập Giá của Chúa Kitô. Là vì kiên cường cho đến chết, anh em đã tuyên xưng Chúa Kitô tử nạn – Ngài là sự khôn ngoan, là quyền năng Thiên Chúa. Chúa Kitô : trong Ngài chúng ta được Thiên Chúa cứu rỗi.
9 – Tất cả những ai tin cậy nơi Ngài – nơi Chúa Kitô tử nạn và phục sinh – họ sẽ được hiểu biết chân lý; những ai trung thành với Ngài sẽ đựơc cùng Ngài sống trong yêu thương, vì là ân sủng và tình thương vẫn đựơc dành cho những người được tuyển chọn. (Kn 3, 9)
ANH EM: dòng giống các vị Tử Đạo, ANH EM: dòng giống những người được kêu gọi. Anh em hãy nghe hết lời sách Khôn ngoan : "Trong ngày phán xét, họ sẽ long lanh như những tia sáng chiếu trên đồng cỏ từ Đông sang Tây." (Kn 3, 7) Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rực rỡ. Và đây là câu sau cùng trong sách Khôn ngoan : "Các dân tộc sẽ trị vì, họ cai trị dân chúng. Nhưng trên tất cả, Thiên Chúa sẽ thống trị mọi loài." (Kn 3, 17) Chúa đây, tức là Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, Ngài xuống trần gian "không để xét xử thế giới, nhưng để thế giới nhờ Ngài mà đựơc cứu rỗi." (Ga 3, 17) Chính Chúa Kitô này: anh em đã tham gia vào cuộc thống khổ và tử nạn Thập Giá của Ngài, hôm nay anh em hãy tham gia vào việc cứu độ trần gian mà chính Ngài đã kết liễu. Nguyện Chúa cho mùa lúa vàng của anh em muôn năm tồn tại trong hoan lạc.
Bản dịch của Đức Ông Đức ông Vinh sơn Trần Ngọc Thụ
Người Công Giáo có tin vào chuyện có ma quỷ không? Giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục
Emily Nguyễn 14/Nov/2020

Nhân dịp tháng Các Linh Hồn, chúng ta, những người Công Giáo, hãy cùng nhau tìm hiểu về những gì về cái gọi là “thế giới huyền bí” mà rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay say mê kiếm tìm. Nhan nhản trên mạng, người ta thấy những bài viết, những video Youtube làm về cái gọi là “tâm linh”, trong đó là vô số những điều liên quan đến thế giới vô hình đầy ma mị như nghi thức gọi hồn, cầu cơ, giải bùa, trị vong nhập v.v... với số lượng độc giả càng tăng cao khi mức độ ma quái của video càng lớn. Nhưng khi trí tò mò của con người bị cuốn hút bởi những hiện tượng thần bí của thế giới siêu hình, có mấy ai để ý đến lời thánh Phêrô đã căn dặn chúng ta về ma quỷ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8)?
Để cùng nhau tìm hiểu về thế giới vô hình với ma, quỷ là những vật thể mà chúng ta luôn bị thu hút và muốn tìm hiểu - dưới ánh sáng và theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo- để không bị dẫn dụ sang bên kia lằn ranh giới nơi ma quỷ luôn sẵn sàng chào đón chúng ta bước qua bằng những cạm bẫy khôn khéo quỷ quyệt dưới danh nghĩa “khám phá tâm linh” và “tiếp xúc với cõi âm”, mời quý vị cùng đọc bài viết của Adam Blai, chuyên gia về bộ môn tà ma và trừ quỷ, thuộc tổng giáo phận Pittsburgh ở tiểu bang Pennsylvania. Ông hiện là thành viên Hiệp Hội Trừ Tà Quốc Tế tại Roma trong nhiều năm qua. Ông cũng là tác giả của cuốn “Ma ám, Quỷ ám và Trừ Quỷ”, một cẩm nang hướng dẫn cho mọi người áp dụng trong trận chiến chống lại những thế lực ma quỷ.
Do Catholics Believe in Ghosts?: Church Teaching on Purgatory
By Adam Blai
Người Công Giáo có tin vào chuyện có ma quỷ không? Giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục
Giáo Hội Công Giáo luôn minh định về sự tồn tại của linh hồn trong cơ thể con người, một giá trị trước Thiên Chúa, và là một tình trạng vĩnh cửu trên thiên đường hay địa ngục. Người Công Giáo cũng tin vào một chốn gọi là luyện ngục: một tình trạng tạm thời để linh hồn của người qua đời dù đã vượt qua phần phán xét riêng nhưng vẫn còn vướng mắc chút tội lỗi tạm thời có cơ hội được chuộc tội trước khi được đến trước nhan thánh. Trong Giáo hội vẫn có truyền thống là dâng lễ và cầu nguyện cho người chết để thúc đẩy tiến trình thanh luyện này cho nhanh chóng hơn.
Nhiều vị thánh, khi còn sống, đã viết về chuyện những linh hồn hiện ra để xin các ngài cầu nguyện, sám hối, hoặc ý lễ để qua đó họ được đền bù tội lỗi mình đã phạm khi còn sống. Sau khi đã thực hiện những điều trên, thánh nhân đó thường được phép thăm viếng những linh hồn này lần cuối trước khi họ về trời. Có rất nhiều sách được Giáo hội chấp thuận mô tả các trường hợp linh hồn hiện ra với người còn sống để báo hiệu nhu cầu cầu nguyện của họ.
Mặc dù các linh hồn trong luyện ngục đôi khi được phép nói chuyện với các vị thánh, nhưng điều đó thường không xảy ra với người bình thường. Kinh Thánh từng nói rõ về việc tìm cách tiếp xúc để trò chuyện với người đã chết bị cấm đoán ra sao (Đnl 18: 10–13). Làm như vậy thể hiện sự mất tin tưởng nơi Thiên Chúa khi tìm cách qua mặt Ngài và thay vào đó là tìm kiếm sự giúp đỡ của một hồn ma hoặc một người trung gian (nhà ngoại cảm) như một nguồn an ủi, hướng dẫn hoặc thông tin. Đây chính là một vi phạm của điều răn đầu tiên trong Mười Điều Răn.
Trong trường hợp những thánh nhân đã từng nói chuyện với các linh hồn, họ không triệu hồi các linh hồn hoặc tìm kiếm sự hướng dẫn, thông tin, hoặc sự an ủi từ những linh hồn này. Một khi linh hồn xin được cầu nguyện, việc giữa hai bên sẽ dừng lại. Điều thú vị đáng ghi nhận là trong hầu hết các trường hợp của những nhà điều tra về hiện tượng siêu nhiên khi giao tiếp với các vong hồn, điều đầu tiên họ thường được nghe các linh hồn nói là: “Hãy giúp tôi”. Đáng buồn thay, hầu hết mọi người lại không biết cách cầu nguyện cho người chết như thế nào, và vì vậy không có sự giúp đỡ nào được đưa ra. Bất cứ sự giao tiếp nào vượt quá hạn mức này gần như chắc chắn chỉ là sự lừa dối từ phía ma quỷ.
Một số dấu hiệu tiêu biểu cho thấy có sự hiển hiện của linh hồn người đang còn trong luyện ngục là âm thanh của một người cứ đia qua đi lại, một mùi vị liên quan đến người đó, tiếng gõ trên vách tường và, trong trường hợp của những người tự tử, là cảm giác nặng nề và buồn bã trong khu vực xảy ra vụ tự tử. Hầu như luôn luôn không có lời nói nào của những linh hồn này ngoài cụm từ “Giúp tôi” hoặc “Có” để trả lời cho câu hỏi “Anh chị em có cần được cầu nguyện cho mình không?” Các linh hồn trong luyện ngục luôn biết rõ về việc Thiên Chúa cấm (người còn sống) tìm kiếm thông tin từ người chết (Đnl 18:9–14; Lv 19:31 và 20:6; Is 8:19) và do đó họ sẽ không bao giờ lôi kéo người sống vào việc phạm tội này khi để cho việc giao tiếp vượt quá nhu cầu xin lễ hoặc cầu nguyện.
Thể loại ma ám phổ biến nhất là trong trường hợp có linh hồn của người đã chết vì tự sát cũng như nạn nhân bị người khác giết chết. Những linh hồn này thường tạo ra một cảm giác rất mạnh và hiệu ứng của sự buồn rầu, trầm cảm và bất an gần nơi họ chết. Họ có thể gây ra một số biểu hiện, chẳng hạn như gõ hoặc đập vào thời điểm họ chết hoặc khi họ được nhắc đến trong câu chuyện. Chúng ta phải cẩn thận vì ma quỷ có thể lợi dụng một vụ tự sát hoặc giết người đã được biết rõ và giả làm nạn nhân tại ngay địa điểm đó. Ngoài ra, con quỷ đã từng giúp hoặc khuyến khích người ta giết người hoặc tự sát vẫn có thể còn ở đó. Các loại ma ám khác cũng thường xảy ra ngay trong nhà thờ và nhưng cơ sở liên quan đến tôn giáo như nhà xứ hay tu viện.
Trong nhiều trường hợp khi có người tiến hành những cuộc điều tra về hiện tượng siêu nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy có cả sự hiện diện của những linh hồn trong luyện ngục và ma quỷ. Điều này xảy ra vì ma quỷ thường bị thu hút đến những nơi mà con người đã cố gắng giao tiếp với các vong hồn. Khi cố kiếm tìm những kiến thức huyền bí từ các vong hồn, con người mặc nhiên cho phép ma quỷ hiện ra và trả lời. Trong những tình huống này, thường có một giao tiếp thiết yếu ban đầu là “giúp tôi” — kế tiếp là tạm ngưng, và sau đó là một số giao tiếp mang tính cách khuynh đảo và sâu rộng hơn nữa. Trong tình huống này, ma quỷ chỉ đơn giản là lợi dụng một cánh cửa đã mở. Người ta thường mô tả về các tín hiệu ban đầu thường không thể bị phá hủy và nỗ lực của họ để đối thoại với vong hồn trong khi bị bám theo bởi những năng lượng tiêu cực và bạo lực khiến họ phải kêu gọi sự giúp đỡ của Hội Thánh.
Nếu một trường hợp có vẻ là do một linh hồn con người thực sự theo ám, biện pháp khắc phục thông thường là một Thánh lễ hoặc những kinh cầu hồn cho người chết [The Office of the Dead ] tại địa điểm đó. Thường thì việc dâng Thánh lễ taị nơi người đó qua đời là hiệu quả nhất, nhưng điều này không bắt buộc. Một Nghi Thức dành cho Kẻ Chết cũng đã được sử dụng trong nhiều trường hợp và đã thành công. Những kinh cầu này cần phải được nguyện với lòng bác ái và tình yêu thương. Những lời cầu nguyện bổ sung cũng có thể cần được thêm vào.
Edited by user Sunday, November 15, 2020 3:31:28 PM(UTC)
| Reason: Not specified |