Học khiêu vũ để chữa bệnh
Các cụ cao tuổi khiêu vũ dưỡng sinh tại Trung tâm văn hoá quận 3, Saigon.
Dì Ba Thành mỗi buổi sáng bắt hai chặng xe buýt từ Thanh Đa, Bình Quới lên Trung tâm văn hóa quận 3, Saigon chỉ để được... nhảy. Tham gia Câu lạc bộ khiêu vũ dưỡng sinh 3 tháng nay, sức khỏe của dì đã có phần khá hơn và đem lại cho dì niềm vui muộn màng ở cái tuổi 70.
"Đi nhảy bệnh hết liền" - dì Ba Thành nói. Bà Thành bị bệnh tiểu đường đã 2 năm nay, có lúc lượng đường trong máu lên đến 7 mmol/l (người bình thường 6,1 mmol/l). Ngày nào cũng phải uống thuốc và hằng tháng mất 600.000-700.000 đồng. Nhưng ba tháng gần đây, tham gia lớp Khiêu vũ dưỡng sinh do Trung tâm văn hóa quận 3 tổ chức, lượng đường trong máu đã giảm còn 5,8 mmol/l. Dì là một trong nhiều người tham gia hoạt động khiêu vũ dưỡng sinh.
Cô Bạch Tuyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cho biết hiện Trung tâm văn hóa quận 3 có khoảng 100 hội viên thường xuyên, hầu hết là nữ giới ở lứa tuổi trên 40 tham gia. Trong số họ, nhiều người có tiền sử mắc các bệnh béo phì, mỡ máu cao, huyết áp cao, bệnh khớp, và tiểu đường như dì Ba Thành.
Khiêu vũ dưỡng sinh là hoạt động giải trí - khiêu vũ và nâng cao sức khỏe - dưỡng sinh, dành cho người cao tuổi. Yếu tố "dưỡng sinh" là kết hợp của môi trường khiêu vũ lành mạnh (không bị ô nhiễm bởi khói thuốc, âm thanh công suất lớn, máy lạnh như trong các disco chuyên nghiệp); vận động trị liệu (các động tác chân, tay, toàn thân lúc nhanh, lúc chậm) và tâm lý trị liệu (âm nhạc, giao lưu bạn bè).
Các thành viên được học các vũ điệu cổ điển như valse, tango và latin như rumba, samba, chachacha.... Trong mỗi buổi, sau luyện tập kỹ thuật cơ bản là thực hành, nhạc nhảy được thay đổi sau 5 phút.
Khiêu vũ dưỡng sinh xuất hiện ở Saigon từ năm 2000 do bác sĩ Phạm Năng Cường khởi xướng. Ông Cường cho biết, thông qua vận động cơ bắp, các cơ quan nội tạng của người bệnh vận động theo, máu chảy nhanh hơn, tăng cường cung cấp dinh dưỡng cho tế bào, đồng thời tiết nhiều mồ hôi thải độc tố. Các động tác khiêu vũ cũng được lựa chọn để phù hợp với sức khỏe từng người, tránh động tác nhanh, mạnh, xoay vòng… Chẳng hạn với những động tác xoay vòng hoặc te của valse, vũ sư không khuyến khích học viên bị bệnh tim mạch, huyết áp thực hiện. Các vũ điệu latinh cuồng nhiệt không phù hợp với người bị bệnh khớp, gai xương do đặc điểm xương giòn, xốp. Tuy vậy, điệu nhảy này lại đặc biệt hữu ích cho bệnh nhân tiểu đường.
Cũng theo bác sĩ Cường, vận động dưỡng sinh thông qua khiêu vũ còn có lợi cho những bệnh nhân tim mạch, béo phì, ung thư, tâm thần, suy thở, suy dưỡng và suy sinh lý. Bước tiếp theo trong kế hoạch xã hội hóa khiêu vũ - dưỡng sinh là dành cho học sinh, sinh viên và đối tượng cai nghiện ma túy.
Giáo sư Đỗ Đình Hồ, nguyên Chủ tịch Hội Thể dục dưỡng sinh Saigon, nhận xét: "Muốn cải thiện tình trạng bệnh tật, phải kết hợp phương pháp điều trị, chế độ dinh dưỡng và đặc biệt tập thể dục. Người bị bệnh tiểu đường phải kết hợp khiêu vũ dưỡng sinh với việc dùng thuốc. Không thể thay thế tập luyện với thuốc men". Mô hình câu lạc bộ khiêu vũ dưỡng sinh hiện cũng được áp dụng điều trị cho bệnh nhân tiểu đường ở Trung tâm Dinh dưỡng Saigon với 50 thành viên, trong đó có hơn 30 bệnh nhân tiểu đường.